Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về 2 khái niệm liên quan đến hiệu ứng phóng đại phối cảnh của ống kính góc rộng:
1. Nó làm cho các đường thẳng tụ lại và Hiệu ứng phóng đại phối cảnh sẽ mạnh hơn ở rìa ảnh.
Ở đây trong Phần 2, chúng ta xem xét một số ví dụ để hiểu hơn về các đặc điểm này và chúng ta có thể áp dụng chúng như thế nào.
EOS 5D Mark III/ EF16-35mm f/2.8L USM/ f/9,0/ 1/60 giây/ ISO 500
1. Chụp bầu trời nhiều mây
Khi bạn chụp bầu trời bằng ống kính góc rộng, hiệu ứng phóng đại phối cảnh tạo ra hiệu ứng “kéo xuống” bắt đầu từ đỉnh ảnh từ phần bầu trời gần bạn hơn. Những đám mây tạo ra sự tương phản trên trời, làm cho hiệu ứng này trở nên rõ ràng hơn. Đó là lý do tại sao bầu trời có mây có thể có vẻ rộng hơn so với bầu trời vào một ngày trời trong.
Ảnh bên trên chụp khu vực Minato Mirai ở Yokohama, chụp từ một con thuyền lúc hoàng hôn (FL: 24mm). Để có ấn tượng mạnh hơn, hãy thử chụp phần bầu trời lớn nhất có thể. Bạn không phải bám theo Quy Tắc Một Phần Ba.
Ảnh này được chụp ở New Mexico ở Hoa Kỳ (FL: 16mm). Có một chiếc máy ảnh trong tay khi bạn nhìn thấy những đám mây đẹp là rất thú vị. Bầu trời có vẻ như vô tận, đúng không?
2. Chụp từ một góc chéo
Để sử dụng hiệu ứng phóng đại phối cảnh của ống kính góc rộng một cách hiệu quả nhất, hãy thử tiếp cận đối tượng của bạn từ đường chéo.
Đây là cách hoạt động của phối cảnh:
– Chụp trực diện sẽ không có hiệu ứng phối cảnh vì tất cả các phần của đối tượng có vẻ như cách máy ảnh (và người xem) một khoảng bằng nhau.
– Chụp từ một góc nghiêng so với đối tượng sẽ tạo ra hiệu ứng phối cảnh mạnh hơn vì một đầu của đối tượng gần máy ảnh/người xem hơn so với đầu kia.
Thủ thuật:
- Lập bố cục ảnh sao cho đối tượng có vẻ nhô vào khung hình từ bên ngoài ảnh. Cách này sử dụng hiệu ứng phóng đại phối cảnh mạnh hơn ở các phía.
- Chụp gần đối tượng hơn. Phần gần nhất của đối tượng càng gần đối tượng, hiệu ứng phối cảnh càng mạnh.
Cảnh đêm một nhà máy trong Thành Phố Kawasaki, chụp ở 23mm. Tôi chụp gần hàng rào đến mức nó gần chạm vào đầu ống kính. Có được hiệu ứng phối cảnh mạnh ở hàng rào, nhưng không mạnh ở nhà máy, vì nhà máy nằm xa máy ảnh hơn và gần tâm ảnh hơn.
Tôi chụp một dĩa hàu tại một quán bán hàu (FL: 16mm). Ở đây tôi cũng tiến gần lại cho đến khi ống kính của tôi gần chạm vào những con hàu ở tiền cảnh. Phối cảnh phóng đại trải khắp dĩa hàu từ tiền cảnh đến hậu cảnh. Nó cũng có ích cho các mục đích sáng tạo, nhưng nó không có ích nếu bạn cần khắc họa các hình dạng một cách trung thực!
3. Làm cho mọi thứ có vẻ như chiếm một khu vực lớn hơn so với thực tế
Tạo ra hiệu ứng phóng đại phối cảnh bằng một ống kính góc rộng có thể làm cho mọi thứ có vẻ lớn hơn thực tế. Chúng ta hãy xem những ảnh sau đây:
Ảnh này được chụp ở 24mm, gần với khoảng cách lấy nét gần nhất (0,45m) của ống kính. Có vẻ như nó được chụp trong cả một cánh đồng hoa, đúng không? Nhưng thực ra nó là một cụm chậu hoa nhỏ với chiều sâu khoảng 30 đến 40cm bên trong một công viên.
Đây là một tấm khác chụp cận cảnh cùng những bông hoa đó dùng ống kính zoom góc rộng (FL: 16mm). Khoảng cách từ tiền cảnh đến hậu cảnh được phóng đại, mang lại ấn tượng là ảnh được chụp trong một vườn hoa lớn.
Nhưng trên thực tế, cả hai ảnh bên trên được chụp ở đây:
Ảnh này cũng được chụp ở 16mm, sử dụng cùng ống kính như ảnh trước. Tuy nhiên, tôi đứng lùi lại và chụp từ một góc cao hơn so với ảnh trước. Bạn thấy sự khác biệt của việc này chứ? Không giống như những tấm trước, không có điểm quan tâm rõ ràng trong ảnh này; nó chỉ ghi lại cảnh chụp trông như thế nào. Nó cho thấy rằng cách bạn sử dụng ống kính đóng vai trò quan trọng.
Sau đây là một ảnh nữa để cho thấy tác dụng của góc rộng:
Bạn không phải chụp cả công viên để lấp đầy khung hình của bạn bằng cây anh đào. Tôi chụp ảnh này bằng cách đến gần một cái cây duy nhất và chụp ở 24mm.
4. Hãy thử chụp ở vị trí thấp
Chụp với máy ảnh gần mặt đất. Đây không chỉ là một điểm quan sát thú vị, nó còn là cách để tạo ra hiệu ứng phối cảnh cưỡng bức trong đó đối tượng ở tiền cảnh có vẻ rất lớn, và đối tượng ở hậu cảnh có vẻ rất nhỏ khi so sánh.
Góc thấp: Ảnh được chụp với máy ảnh nghiêng lên (ngược lại với góc cao trong đó máy ảnh được nghiêng xuống)
Vị trí thấp: Vị trí của máy ảnh thấp hơn tầm mắt.
EOS 5D Mark II/ EF24-105mm f/4L USM/ f/8.0/ 1/250 giây/ ISO 200
Trong ảnh bên trên, máy ảnh không chỉ ở vị trí thấp, mà nó còn hướng xuống mặt đất, làm cho nó trở thành ảnh chụp ở vị trí thấp, góc cao. Hiệu ứng phối cảnh thu hút sự chú ý vào những chiếc bóng.
Lời khuyên: Hãy cẩn thận khi bạn chụp gần mặt đất với ống kính nghiêng lên—người ta có thể hiểu nhầm ý định của bạn, nhất là ở những nơi đông đúc! Bạn nên đảm bảo không có ai ở gần đó.
EOS 5D Mark III/ EF16-35mm f/2.8L USM/ f/4,0/ 1/40 giây/ ISO 800
Tôi chụp ảnh này với máy ảnh được đặt trên mặt đất (FL: 16mm). Sàn ở tiền cảnh có vẻ rất lớn so với những người ở hậu cảnh. Bạn có thể sử dụng hiệu ứng này để tạo ra ảnh có phối cảnh cưỡng bức.
5. Làm cho đôi chân trông dài hơn
Bạn có nhớ ở Phần 1, chúng ta đã thấy hiệu ứng phóng đại phối cảnh và hiệu ứng hội tụ làm cho những tòa nhà trông thuôn hơn và cao hơn như thế nào hay không? Nó áp dụng cho mọi thứ, bao gồm con người.
Ảnh góc thấp sau đây được chụp từ ngang tầm bàn chân của em bé đang tập đi này.
EOS 5D Mark III/ f/4.0/ 1/160 giây/ ISO 1250
Em bé khổng lồ xổng cũi! Chụp bằng ống kính góc rộng từ một góc thấp làm cho đôi chân của em bé có vẻ to hơn và dài hơn và khuôn mặt của bé nhỏ hơn thực tế. Hiệu ứng ở đây cũng được phóng đại, nó gần giống như tranh biếm họa—có ích cho biểu đạt sáng tạo, có thể không phải là lý tưởng nếu bạn chụp chân dung! Nhưng đây là bí quyết: Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh thời trang thường sử dụng kỹ thuật này (theo cách tinh tế hơn nhiều) để khoe hình dáng và phong cách của đối tượng.
Thủ thuật: Cẩn thận không để khuôn mặt ở rìa ảnh. Hiệu ứng phóng đại phối cảnh mạnh hơn sẽ dẫn đến méo. Thay vào đó, hãy đặt khuôn mặt ở giữa.
(Biên tập bởi studio9) – Snapshoot.CanonAsia